Sâm Ngọc Linh tạo nên “Làng tỷ phú” giữa đại ngàn

Anh Hồ Văn Rủi chăm sóc vườn sâm 4 tuổi của gia đình.

Gia đình anh Hồ Văn Rủi ở thôn Tăk Ngo, xã Trà Linh xưa thuộc diện hộ nghèo nay đã là hộ giàu ở địa phương. Anh Rủi cho biết, khi chưa trồng sâm, kinh tế gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào nương rẫy. Có khi anh đi vào rẫy làm cả tháng trời mới về. Bữa cơm gia đình chỉ toàn sắn với ngô. Mỗi lần đau ốm không mượn được xe thì phải đi bộ mấy chục cây số đường rừng xuống trung tâm huyện chữa trị.

Khi biết đến giống sâm quý, gia đình anh Hồ Văn Rủi đã tự trồng và nhân giống. Đến nay, sau 10 năm gầy dựng, vườn sâm Ngọc Linh của anh có 300 cây từ 1 – 7 năm tuổi, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Trong ngôi nhà khang trang, bề thế với đầy đủ tiện nghi, anh Rủi cho biết mình đổi đời nhờ cây sâm. “Giá trị kinh tế mà cây sâm mang lại cho gia đình rất cao. Giờ tôi đã có tiền mua thức ăn, mua nhà…”, a Rủi cho biết.

5 năm trước, người dân nơi đây chưa từng dám nghĩ mình có thể giàu lên nhờ loại cây rừng mọc tự nhiên này. Ngôi nhà rộng khoảng 60 mét vuông của anh Hồ Văn Toán, ở thôn 2, xã Trà Linh nhẩm tính cũng cả tỷ bạc tương đương với 5 kg sâm loại vừa. Đây cũng là mức giá xây nhà chung của bà con trong làng.

Xem thêm:   Sâm Ngọc Linh MHG Trở Thành Nhà Tài Trợ Câu Lạc Bộ Bóng Đá Hoàng Anh Gia Lai Mùa Giải 2022

Anh Toán cho biết, ngày trước dân trong làng không biết giá trị thực của sâm còn lấy lá sâm cho lợn ăn. Vậy mà giờ, sâm giống 1 năm tuổi có giá 300.000 đồng/cây, loại 2 tuổi là 600.000 đồng/cây; 1 kg lá tươi có giá 10 triệu đồng, 100 gam sâm có giá trung bình khoảng 20 triệu đồng.

Nhận thấy giá trị cao từ cây sâm, giờ đây khắp các thôn, bản quanh đỉnh núi Ngọc Linh, người dân đều ý thức bảo vệ loài sâm quý này. Anh Hồ Văn Toán cho biết, ở đây người dân đều lập chốt giữ rừng đê bảo vệ sâm.

“Mình phải đặt bẫy cạnh cây sâm để bảo vệ thường xuyên 24/24 giờ. Ban đêm phải đi soi bắt ếch, chuột để tránh việc chuột cắn sâm. Tôi mong muốn nhà nước hỗ trợ việc trồng sâm để người dân vừa có thu nhập vừa bảo vệ rừng”, anh Toán nói.

Huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam có 7 xã với 1.200 hộ tham gia trồng sâm Ngọc Linh trên diện tích 1.560 ha. Ông Trịnh Minh Quý, Giám đốc Trung tâm Sâm Ngọc Linh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết, vùng sâm gốc Tắk Ngo, xã Trà Linh đã nghiệm thu được 2 đề tài nghiên cứu về vùng sâm gốc Ngọc Linh. Hiện, đã có 13 doanh nghiệp vào đầu tư gần 280 ha sâm tại 3 xã Trà Linh, Trà Nam và Trà Cang.

Theo ông Trịnh Minh Quý, tỉnh Quảng Nam sẽ hình thành du lịch vùng sâm gốc gắn với phát triển kinh tế và bảo vệ rừng. Trong những năm qua, các tour du lịch đến vùng sâm gốc đã thu hút được từ 3.000 – 4.000 lượt người đến tham quan vùng sâm Tăk Ngo này. 

Xem thêm:   Tập đoàn MHG nhận cúp Vàng tại Lễ vinh danh Doanh nhân Sao Vàng 2023

“Dự kiến, việc hình thành tuyến du lịch vùng sâm Tăk Ngo trong thời gian tới sẽ phát triển và thu hút khách hơn. Khi phát triển du lịch vùng sâm gốc sẽ liên quan đến vấn đề bảo vệ rừng, bảo vệ thiên nhiên nên hiện nay trung tâm đang hướng tới xây dựng sản phẩm du lịch như thế”, ông Quý cho biết.

Những ngôi nhà khang trang, bề thế giữa đại ngàn Trường Sơn.

Theo quy hoạch của tỉnh Quảng Nam, 5 năm qua huyện Nam Trà My đã sản xuất giống, cấp hỗ trợ cho 7 xã hơn 20.000 cây sâm giống. Ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cho biết, việc đầu tư trồng sâm Ngọc Linh quy mô lớn sẽ là một hướng đi đúng đắn cho việc giảm nghèo bền vững cho người dân. Để làm được điều này, trước hết cần triển khai những mô hình hợp tác đầu tư, phát triển cây sâm Ngọc Linh ứng dụng khoa học- kỹ thuật công nghệ cao.

“Tỉnh Quảng Nam sẽ tổ chức nhiều hội thảo khoa học, xúc tiến đầu tư để kêu gọi các doanh nghiệp lớn và có kinh nghiệm về vấn đề trồng sâm cũng như chế biến sâm, hướng tới mở nhà máy chế biến ở Quảng Nam như một số nước người ta đã làm. Tiếp nữa, tỉnh cũng sẽ nâng cao chất lượng sâm Ngọc Linh để tạo công ăn việc làm đồng thời tăng thu nhập cho người dân”, ông Cường khẳng định./.

Nguồn: Theo VOV.VN

Comments

en_USEnglish