Bạn có biết chúng ta có thể gọi tên một số kiểu nghề nghiệp nhất định bằng cách gán tên chúng với “cổ áo” không? Sự kết hợp này chính là nguồn gốc của những cụm từ như white collar, blue collar, thậm chí pink collar, v.v.
Vậy white collar là gì và có sự liên hệ gì giữa một chiếc cổ áo với nghề nghiệp của một người? Vén màn bí mật ngay cùng Chúng tôi nhé.
White-collar là gì?
White-collar có nghĩa là cổ áo trắng, chính xác hơn là để chỉ các nhân viên cổ cồn trắng. White-collar worker là những người làm ở môi trường văn phòng, bàn giấy với công việc thuộc các ngành như tài chính, hành chính, luật, công nghệ thông tin, marketing, kinh doanh, nhân sự, v.v.
Cụm từ white-collar bắt đầu phổ biến vào những năm 1920, bắt nguồn từ tác giả là nhà tiểu thuyết Upton Sinclair. Như cái tên đã phần nào chỉ ra, white-collar ám chỉ những nhân viên văn phòng với trang phục đi làm quen thuộc là áo trắng cổ cồn.
Cũng với cấu trúc “màu sắc + collar” trên, chúng còn có các biến thể khác mà Chúng tôi sẽ dần giúp bạn khám phá qua bài viết này.
Một số đặc điểm chung của white-collar workers
Nhân viên cổ cồn trắng thường được coi là tầng lớp nghề nghiệp có thu nhập cao. Công việc của họ sẽ dựa vào kiến thức học thuật chuyên sâu để hoạt động và kiếm ra lợi nhuận thay vì hoạt động tay chân.
Ví dụ gần nhất có thể kể đến những công việc văn phòng mà nhiều bạn sinh viên mới ra trường tìm kiếm, như nhân viên kinh doanh, nhân viên marketing.
Đây là hình thức công việc mà không ít bạn trẻ phải cạnh tranh rất gay gắt để có được, vì cái danh gắn liền với white-collar là “việc nhẹ lương cao”.
Tuy nhiên, trên thực tế không phải công việc nào thuộc phân nhánh này cũng là ngồi yên một chỗ hoặc chỉ loanh quanh trong văn phòng.
Một vài công việc white-collar còn yêu cầu nhân viên phải đi gặp mặt đối tác và khách hàng thường xuyên hoặc đi công tác liên tục. Như nhân viên ngân hàng, thư ký, luật sư, kiến trúc sư, kinh doanh bất động sản, tư vấn viên, phi công.
Ngoài ra, họ thường nhận lương theo tháng và thu nhập sẽ không tính trên đơn vị giờ. Những nhân viên cổ áo trắng ngày nay cũng thường phải làm thêm giờ khi công việc yêu cầu, kể cả trong ngày nghỉ.
Từ đây chúng ta có thể thấy rằng, không có nghề nghiệp nào là dễ dàng dù nhận định về chúng đã có từ rất lâu trước đây.
Blue-collar là gì?
Blue-collar worker, hay nhân viên cổ cồn xanh, cũng là định nghĩa nghề nghiệp có tuổi đời tương tự như white-collar. Khác với cổ cồn trắng, cổ cồn xanh chỉ những người làm trong ngành thủ công hơn. Nói cách khác, blue-collar được nhận định là ngành nghề lao động tay chân.
Các ngành được công nhận là blue-collar bao gồm: xây dựng, sản xuất, bảo trì, khai thác mỏ, nấu ăn, v.v.
Những nghề nghiệp thường thấy thì gồm: nông dân, thợ cơ khí, người vận hành nhà máy, thợ điện, thậm chỉ cảnh sát, lính cứu hoả.
Nguồn gốc của cụm từ này đến từ hình tượng những người công nhân đầu thế kỷ 20 với trang phục chống thấm hoặc bảo hộ đậm màu, thường là đồ màu xanh nước biển.
Họ hay sử dụng loại trang phục này vì tính chất công việc vất vả, hay bị lấm bẩn và họ không có đủ chi phí để giặt giũ thường xuyên.
So sánh white-collar vs blue-collar
Trong các loại nghề nghiệp được phân theo “sắc màu cổ áo”, white-collar và blue-collar là lực lượng phổ biến nhất và cũng hay được đặt lên bàn cân nhất.
Hai cụm từ này làm ta liên tưởng đến những hình tượng trái ngược, về cả vẻ ngoài, tính chất công việc và thu nhập. Đặc biệt trong bối cảnh xã hội cũ, nhân viên cổ trắng và xanh được coi như hai thái cực không có sự giao thoa.
White-collar worker | Blue-collar worker | |
Trang phục | Màu sáng | Màu tối |
Môi trường làm việc | Đa phần trong văn phòng, môi trường sang trọng | Tự do, ví dụ như công trường, dự án xây dựng, v.v. |
Kiểu hình lao động | Lao động trí óc | Lao động chân tay |
Thu nhập | – Cao – Tính theo tháng/năm |
– Không cao – Tính theo giờ |
Nền tảng giáo dục | Yêu cầu bằng cấp | Ít yêu cầu bằng cấp |
Nhu cầu tuyển dụng | Cao | Thấp |
Nhiều ý kiến cho rằng nhân viên cổ cồn xanh không có bằng cấp cao bằng cổ cồn trắng, vì công việc của họ được hội tụ qua kinh nghiệm thực tế thay vì sách vở và trình độ giáo dục bậc cao.
Cho những bạn chưa rõ, thì sự phân biệt giữa hai nhóm này thậm chí còn đến từ sự phân chia giai cấp.
Trước những cuộc cách mạng nhân quyền và đấu tranh dân chủ, đã có ý kiến rập khuôn cho rằng ai làm white-collar thì thuộc tầng lớp trung đến thượng lưu, còn blue-collar? Họ nằm ở tầng lớp thấp hơn cũng vì họ lao động chân tay và không sánh bằng white-collar về mặt tri thức.
Nhận định về collar jobs: phải chăng đã lỗi thời?
Nhân viên cổ cồn trắng đi làm trong không gian văn phòng, sử dụng trí óc, nhận lương theo tháng hoặc theo năm.
Môi trường làm việc của nhân viên cổ cồn xanh thì ít ổn định hơn, sử dụng chân tay là chủ yếu, và thu nhập thường được tính theo giờ hoặc số lượng sản phẩm.
Như Chúng tôi đã chia sẻ, white-collar và blue-collar được coi là hai tầng lớp xã hội chênh lệch. Nhưng trong thế giới hiện đại, lằn ranh giữa hai nghề nghiệp này đã trở nên mờ nhạt.
Nhân viên cổ cồn xanh làm công việc tay chân không có nghĩa là họ không dùng trí óc hay tư duy logic trong vai trò của mình. Và không phải lúc nào white-collar cũng có thu nhập cao hơn blue-collar.
Chẳng hạn, một kỹ thuật viên trình độ cao có thể kiếm về hàng chục triệu đồng/tháng, cao hơn so với một số bank teller hay nhân viên văn phòng khác.
Về mặt giáo dục, lấy ví dụ như nghề đầu bếp hay kỹ thuật, những nghề nằm trong phạm vi cổ cồn xanh này đã trở nên có địa vị trong xã hội. Để làm được những vị trí đó, bạn cần sở hữu bằng cấp và chứng chỉ chuyên nghiệp cùng chuyên môn cực kỳ vững chắc.
Nhìn chung, việc gọi tên các nhóm nghề nghiệp sẽ giúp ta dễ phân biệt và định hướng sự nghiệp hơn. Và mục đích lớn nhất chỉ nên dừng lại ở đó.
Chúng ta tuyệt đối không nên nhìn nhận về một người qua khuôn mẫu cứng nhắc về nghề mà họ làm, hay đưa ra nhận xét động chạm, mang tính cá nhân nhắm vào họ.
Những loại collar jobs khác
Các nhóm nghề khác ngoài blue collar và white collar là gì? Chúng ta còn có một loạt các cái tên khác với ý nghĩa khác nhau:
Red-collar worker
Đây là những người làm trong bộ máy chính phủ, nhận lương từ “ngân sách mực đỏ” (red ink budget) – một cụm từ thông dụng trong lĩnh vực tài chính ngoại quốc.
Pink-collar worker
Trong bối cảnh cũ, cổ cồn hồng chỉ những nghề nghiệp thường dành cho phái nữ. Các ngành của pink-collar thường gồm dịch vụ, chăm sóc sức khoẻ, v.v.
Các nghề thường gặp gồm:
- Thư ký
- Nhân viên phục vụ
- Nhân viên bán hàng
- Y tá, điều dưỡng
- Giáo viên tiểu học, v.v.
Ngày nay đã có rất nhiều nhân viên giới tính nam làm các nghề này, nên cụm pink-collar ít khi được sử dụng hơn trước.
Purple-collar worker
Nhân viên cổ cồn tím là những người làm công việc có tính chất của cả white và blue collar.
Brown-collar worker
Là những người có nghề nghiệp thuộc lĩnh vực quân đội, quân sự như không quân, hải quân, lục quân, thuỷ quân lục chiến, binh lính, v.v.
Green-collar worker
Một trong các loại “cổ cồn” mới nhất là nhân viên cổ áo xanh lá – những nghề thuộc ngành môi trường, bảo tồn và phát triển bền vững.
Gold-collar worker
Cụm từ cổ cồn vàng chỉ những nghề nghiệp thuộc ngành luật và y dược.
Đọc thêm: Tổng Hợp Các Công Việc Freelance Có Thu Nhập Hot Nhất
Open-collar worker
Đây là cái tên chỉ freelancer hay những người làm việc tại nhà. Họ có thể làm việc ở mọi nơi và mọi lúc, miễn là đạt tiến độ và kết quả công việc như mục tiêu đã đề ra.
No-collar worker
Cuối cùng, bên cạnh white collar là gì cùng các định nghĩa khác, no-collar worker có ý nghĩa khá đặc biệt.
Họ là những người làm việc vì đam mê. Họ ưu tiên đam mê và sự phát triển cá nhân hơn vấn đề tài chính. Có thể nói họ khá nghệ sĩ và có thể bạn chưa biết, cụm từ này ra đời trên chương trình thực tế “Survivor: Worlds Apart”.
Đọc thêm: Nên Đi Làm Vì Đam Mê Hay Vì Tiền?
Lời kết
Hy vọng với bài viết trên của Chúng tôi, bạn đã hiểu rõ hơn về white collar là gì, blue collar là gì, sự khác biệt giữa chúng và một loạt các định nghĩa thú vị khác về nghề nghiệp.
Nếu bạn đang trên con đường định hướng sự nghiệp mà vẫn lăn tăn về ngành nghề phù hợp với mình, đừng quên đến với các bài viết mới nhất của Chúng tôi Việt Nam nhé.
Tham khảo:
- White Collar: Definition, Types of Jobs, and Other “Collar” Types
- Blue-Collar vs. White-Collar: An Overview