EQ là gì? EQ (emotional quotient) hay còn gọi là trí tuệ cảm xúc, đóng vai trò thiết yếu trong mọi mặt của cuộc sống. Trên thực tế, nhiều chuyên gia tin rằng EQ đang dần vượt mặt IQ về mức độ quan trọng trong việc quyết định thành bại của mỗi người. Từ đây có thể thấy, chỉ số EQ thấp có thể có ảnh hưởng tiêu cực tới hành trình phát triển cá nhân của bạn.
Khi một người có EQ thấp, các dấu hiệu thường không quá khó để nhận ra.
Dấu hiệu của người có EQ thấp
Lúc nào họ cũng “đúng”
Ai cũng sẽ gặp phải những lúc xung đột và tranh cãi với người khác. Nhưng những người với tỷ lệ EQ thấp thường chăm chăm chứng minh quan điểm của mình mà bỏ ngoài tai ý kiến của người khác. Kể cả khi mọi yếu tố đã chứng tỏ họ sai, họ vẫn nhất quyết rằng người đúng là họ.
Nhìn chung, họ luôn muốn mình ở thế thượng phong và hiếm khi chấp nhận họ đã mắc sai lầm.
Họ không quan tâm đến cảm xúc của người khác
Những người có trí tuệ cảm xúc thấp sẽ có xu hướng không quan tâm đến cảm xúc của người khác. Họ thường cảm thấy ngạc nhiên khi có người bực mình với họ hoặc khi có đồng nghiệp nào đó tỏ ra không bằng lòng với cách họ nói chuyện.
Đơn giản là vì họ không mấy khi đặt mình vào vị thế của người khác, và điều này hoàn toàn ngược lại với những người có EQ cao.
Đọc thêm: EQ Cao Là Gì? Dấu Hiệu Của Người Có EQ Cao
Hành động thiếu tinh tế
Phần lớn thời gian, những người có EQ thấp không biết phải nói điều gì cho đúng. Họ cũng không biết được đâu mới là thời điểm để nói những điều phù hợp hoặc không nên nói những thứ không phù hợp.
Ví dụ, họ có thể bình luận thiếu tế nhị về vẻ ngoài của người khác hoặc pha trò những lúc đang quá cấp bách và căng thẳng. Khi người khác phản ứng với câu nói của họ, họ lại hành động như thể đối phương đang quá nhạy cảm.
Vì họ gặp khó khăn trong việc thấu hiểu cảm xúc của người khác, cũng không có gì ngạc nhiên khi họ khó có thể diễn giải và đưa ra phản ứng thích hợp với bầu không khí và một số bối cảnh nhất định.
Không nhận trách nhiệm về mình
Một điều mà một người có trí tuệ cảm xúc thấp thường làm là không chịu trách nhiệm cho hành động của mình.
Khi có sự cố xảy ra, phản ứng đầu tiên của họ là tìm cách đổ lỗi cho ai đó hoặc điều gì khác. Họ thường biện hộ rằng họ không có lựa chọn nào khác cho những gì họ đã làm và bạn sẽ không thể được hiểu hoàn cảnh của họ.
Ví dụ, nếu họ đọc được tin nhắn riêng tư của bạn, thì đó là lỗi của bạn vì đã để điện thoại mở khóa. Hoặc khi họ không hoàn thành công việc đúng deadline, họ sẽ đổ lỗi rằng người khác hoặc sự việc nào đó làm ảnh hưởng đến tiến độ của họ.
Kỹ năng đối phó khá kém
Không có khả năng đối phó với các tình huống liên quan nhiều tới cảm xúc có thể là một dấu hiệu của người có chỉ số EQ thấp. Dù là của chính họ hay của người khác, họ cũng thường không phân tích được những cảm xúc mạnh mẽ và thường tránh xa những tình huống này để tránh cảm thấy quá tải.
Chẳng hạn khi họ cãi nhau với bạn bè, họ sẽ không tìm ra nguyên do để giải quyết vấn đề mà chọn cách im lặng và tránh đi cho đến khi họ thấy ổn hơn.
Bùng nổ cảm xúc
Kỹ năng điều chỉnh cảm xúc tốt hay không có thể nói lên rất nhiều điều về trí tuệ cảm xúc của một người. Những cá nhân có EQ thấp thường gặp khó khăn trong việc hiểu và kiểm soát cảm xúc của mình.
Họ có thể nổi cáu mà không hiểu họ đang thực sự cảm thấy gì hoặc tại sao họ lại buồn như vậy. Ngoài ra, họ thường có những cơn bộc phát cảm xúc một cách bất ngờ và không thể kiểm soát. Những điều nhỏ nhặt nhất cũng có thể làm cơn giận dữ của họ kéo dài đến vài phút, thậm chí hàng giờ.
Gặp khó khăn với các mối quan hệ
Những người có EQ không cao thường không có nhiều người thân thiết. Những mối quan hệ từ bạn bè cho tới tình cảm đôi lứa đều cần sự cho đi và nhận lại, lòng trắc ẩn, chia sẻ và hỗ trợ về mặt cảm xúc. Không may là những điều này, người có EQ thấp sẽ không có.
Đó là lý do dù họ có thể đã có những mối quan hệ thân thiết, chúng cũng thường không kéo dài được lâu.
Trái đất chỉ xoay quanh họ
Những người không thông minh về mặt cảm xúc hay muốn làm trung tâm của mọi cuộc trò chuyện. Ngay cả khi họ đang đặt câu hỏi và tỏ ra chăm chú lắng nghe, họ luôn tìm cách chuyển mọi thứ về phía mình.
Thông thường, họ phải chứng minh rằng bất cứ điều gì bạn đang trải qua, họ đã trải qua điều đó tốt hơn hoặc tồi tệ hơn. Chẳng hạn như bạn đang chia sẻ về khó khăn của bạn, họ lại nói “Hồi trước chuyện tôi trải qua còn tệ hơn bạn nhiều mà tôi còn vượt qua”.
Một số dấu hiệu khác
Vài “red flag” khác chứng tỏ một người có EQ thấp bao gồm:
- Luôn đóng vai nạn nhân
- Hay chỉ trích
- Không chấp nhận ý kiến phê bình
- Chỉ làm việc một mình, khó hợp tác với người khác
- Quá nhạy cảm
- Tính cách hung hăng trong giao tiếp, v.v.
EQ thấp phải làm sao?
Những lý do dẫn đến tình trạng trí tuệ cảm xúc thấp có thể đến từ cách dạy bảo của phụ huynh, môi trường sống, hoặc những vấn đề về sức khỏe tâm lý. EQ thấp có nghĩa là bạn không biết đồng cảm, không thẳng thắn chính trực và sẽ tự cắt đứt cơ hội phát triển và hạnh phúc của bản thân.
Vậy nếu EQ thấp thì nên làm gì? Một số lời khuyên dành cho bạn là:
- Luyện tập nhận thức mọi cảm xúc của bản thân
- Chú ý đến hành động của mình (liệu có đúng mực, có hợp hoàn cảnh…)
- Tự vấn chính tư duy của mình
- Luyện tập, thực hành lòng trắc ẩn
- Chịu trách nhiệm với hành động của mình (đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại)
- Hiểu nguyên nhân cho từng cảm xúc của mình (để từ đó hiểu được cả cảm xúc của người khác)
- Bớt cáu giận, điều hoà cảm xúc theo cách cân bằng hơn
- Đừng mong người khác tin mình nếu chính bạn cũng không tin tưởng họ
- Giúp đỡ người khác nhiều hơn với tâm thế cho đi không nhận lại
- Lắng nghe nhiều hơn và kỹ càng hơn
- Trung thực và cởi mở cảm xúc của mình với người khác hơn
- Học cách diễn đạt tốt hơn
- Đừng phàn nàn quá nhiều
- Không nghĩ nhiều về những chuyện đã xảy ra trong quá khứ
- Tránh phán xét, săm soi quá kỹ
Lời kết
Theo bạn, còn những cách nào để cải thiện bản thân khi EQ thấp? Đừng ngại chia sẻ với Chúng tôi ở phần Comments bên dưới và đừng quên cập nhật các bài viết mới nhất nhé!
Tham khảo: Verywellmind