Có những công cụ nào để phân tích website? Phân tích website là một hoạt động không thể thiếu để cải thiện và nâng cao hiệu quả marketing trên nền tảng này. Trong bài viết này, tôi sẽ chia sẻ đến bạn 8 công cụ phân tích website hiệu quả mà bất kỳ SEOer, hay người làm website nào cũng cần biết.
1. Tại sao cần phân tích website?
Phân tích website là một hoạt động vô cùng quan trọng mà mọi doanh nghiệp đều cần phải chú ý. Hoạt động này cung cấp cho doanh nghiệp góc nhìn tổng quan về tình trạng hiện tại của website để tìm ra hướng giải quyết kịp thời, nhằm hiện thực các mục tiêu đề ra.
Chẳng hạn, thông qua việc phân tích website doanh nghiệp sẽ biết được lượng traffic của website tăng lên hay giảm đi so với tháng trước, đâu là nguyên nhân dẫn đến sự biến đổi này, v.v. Nếu đó là dấu hiệu tiêu cực, doanh nghiệp có thể kịp thời đưa ra giải pháp phù hợp. Nếu đây là những dấu hiệu tích cực, doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội và tiếp tục phát huy nhằm gia tăng lượt truy cập cho website.
2. Các chỉ số cần quan tâm khi phân tích website
Dưới đây là những chỉ số mà doanh nghiệp cần quan tâm khi phân tích website có thể kể đến như:
- Lượt traffic (lượt truy cập)
- Time on site (thời gian trên trang)
- Bounce rate (tỷ lệ rời bỏ trang)
- Conversion rate (tỷ lệ chuyển đổi)
- Nguồn lưu lượng truy cập
- Tốc độ tải trang
- V.v.
Đọc thêm: Các Chỉ Số Đo Lường Hiệu Quả Marketing Cần Chú Ý
3. Các công cụ phân tích website uy tín
Dưới đây là một số công cụ phân tích các chỉ số website mà marketer nên biết, đặc biệt là nhân sự chuyên về website như Content Writer, SEO specialist, digital marketer.
3.1. Google Analytics
Được phát triển bởi Google, đây là nền tảng và công cụ digital marketing được sử dụng phổ biến hiện nay. Công cụ cho phép người dùng theo dõi các dữ liệu quan đến lượt truy cập, phân tích chi tiết hành vi của công chúng, đo lường doanh số bán hàng và hiệu quả chuyển đổi. Nhằm giúp người dùng có thể cải thiện trang web của mình, Google Analytics còn đưa ra các đề xuất tối ưu website, cải thiện lượt chuyển đổi, nâng cao trải nghiệm của công chúng mục tiêu, v.v.
3.2. Semrush
Nếu bạn là một người làm nội dung trên website thì chắc chắn không thể không biết tới Semrush. Công cụ này cho phép người dùng có thể thực hiện các thao tác như: nghiên cứu và phân tích từ khóa, quản lý backlink, theo dõi thứ hạng bài viết, kiểm tra SEO on-page, phân tích website của đối thủ.
3.3. Google Search Console
Google Search Console là một công cụ phân tích traffic website miễn phí của Google mà bạn nên biết. Công cụ này cho phép các nhà quản trị web, SEOer có thể kiểm tra lượng truy cập của website hay trên từng bài viết; trạng thái index; tối ưu hóa khả năng hiển thị của website. Dựa vào Google Search Console, bạn có thể theo dõi được keyword truy vấn của công chúng trên trang và thứ hạng của từ khóa; thông tin về link trên website; dữ liệu sitemap, v.v.
3.4. Crazy Egg
Crazy Egg là một công cụ phân tích website độc đáo, cho phép webmaster có cái nhìn chi tiết về cách người dùng tương tác trên trang web của họ. Không chỉ cung cấp thông tin về lưu lượng truy cập, Crazy Egg còn tập trung vào theo dõi và phân tích hành vi cụ thể như đường rê chuột, click chuột và cuộn chuột trên trang web.
3.5. Similarweb
Similarweb là một công cụ phân tích website trực tuyến rất phổ biến hiện nay, mang lại nhiều lợi ích đáng chú ý. Ngoài khả năng đo lường các chỉ số hoạt động của một trang web, Similarweb còn là một trợ thủ mạnh mẽ trong việc phân tích và đề xuất về các đối thủ trong cùng ngành. Công cụ này không chỉ giúp bạn hiểu rõ về hiệu suất của trang web mình mà còn cung cấp cái nhìn sâu sắc về cách các đối thủ hoạt động. Tính năng phân tích đối thủ của Similarweb giúp bạn đo đạc và so sánh hiệu suất, xu hướng, và chiến lược của họ.
3.6. Ahrefs
Ahrefs nổi tiếng là một trong những công cụ phân tích website toàn diện dành cho SEOer, với khả năng cung cấp thông tin đầy đủ và chi tiết. Ahrefs không chỉ giúp người dùng theo dõi thứ hạng của trang web mà còn cung cấp dữ liệu về lưu lượng truy cập, nghiên cứu từ khóa, và tìm kiếm cơ hội để tăng lượng truy cập trang web. Ngoài ra, nó còn là một công cụ mạnh mẽ trong việc xây dựng backlink – một yếu tố quan trọng trong chiến lược SEO.
3.7. Parse.ly
Sau khi được mua lại bởi Automatic vào tháng 2/2021, Parse.ly đã trở phát triển thành một nền tảng đặc biệt được dùng để đo lường hiệu suất nội dung một cách chi tiết và chính xác. Parse.ly sử dụng một tính năng độc đáo có tên là “heartbeat” nhằm xác định công chúng có thực sự đang tương tác trên trang của họ hay không dựa trên các di chuyển chuột. Parse.ly không chỉ giới hạn việc đo lường trên trang web, mà còn thu thập dữ liệu từ các mạng xã hội, công cụ tìm kiếm, hệ điều hành, và các nền tảng khác như Apple News, Facebook Instant Articles, Google AMP.
3.8. Finteza
Finteza là một công cụ phân tích website đa năng với nhiều công cụ đánh giá chuyên sâu. Công cụ này hỗ trợ hơn 50 CMS và các SDK khác nhau. Công cụ cho phép người dùng xác định đâu là truy cập thực nhờ khả năng nhận dạng 12 kiểu truy cập trái phép như từ các loại bot, hacker, v.v. Bên cạnh đó, nền tảng sở hữu hệ thống quảng cáo riêng có thể qua mặt hầu hết các trình duyệt chặn quảng cáo. Ngoài ra, công cụ cũng cung cấp nhiều tính năng hữu ích như phân tích trang, phân tích khách hàng, đo lường hiệu suất của website, v.v.
Đọc thêm: Top 7 Công Cụ Phân Tích Dữ Liệu Trong Năm 2023 [Forbes bình chọn]
Tạm kết
Trên đây là những chia sẻ về các công cụ phân tích website mà MH Group muốn gửi đến bạn. Hy vọng rằng, bài viết đã cung cấp đến bạn nhiều thông tin hữu ích và gợi ý cho bạn công cụ phù hợp nhất.
Nếu bạn còn có bất kỳ câu hỏi nào, đừng ngần ngại để lại bình luận để được MH Group hỗ trợ giải đáp chi tiết nhé.