Nói trước công chúng là một hình thức nghệ thuật đòi hỏi sự chuẩn bị và thực hành cẩn thận. Những người thực hiện chúng một cách bài bản và chuyên nghiệp được gọi là diễn giả. Mỗi người đều mang trong mình một sứ mệnh và họ là người lan tỏa những thông điệp tốt đẹp đến công chúng. Vậy cụ thể diễn giả là gì? Cùng theo chân MH Group để tìm hiểu rõ hơn về công việc này nhé!
Nghề diễn giả là gì?
Trong tiếng Anh, diễn giả là Public Speaker hay còn gọi là Motivational Speaker – người diễn giảng công cộng hoặc người truyền cảm hứng. Đây là những người có năng lực chuyên môn ở một hoặc một vài lĩnh vực, có mức độ ảnh hưởng nhất định, công việc của họ là thực hiện các buổi trò chuyện trực tiếp, giao lưu với cộng đồng, với một tập thể và dân cư địa phương.
Mỗi bài phát biểu của các diễn giả sẽ xoay quanh một nội dung thông tin của một lĩnh vực nhất định. Không chỉ chịu trách nhiệm chuẩn bị dàn ý và nội dung bài nói của mình, các diễn giả cũng sẽ lắng nghe để chia sẻ từ trải nghiệm thực tế, góc nhìn của bản thân đã đúc rút ra được trong cuộc sống.
Ngày nay, diễn giả không chỉ xuất hiện trực tiếp trên sân khấu, trong các hội trường đông đúc người tham dự mà bây giờ đã có những buổi trao đổi, những bài phát biểu trên các phương tiện truyền thông cũng thu hút được vô vàn sự quan tâm.
Tại các doanh nghiệp lớn sẽ có những chương trình mời diễn giả về trình bày trước đội ngũ nhân viên hoặc có cả những công ty mà tại đó chính quản lý cấp cao, ban giám đốc cũng trở thành diễn giả để thúc đẩy, tạo động lực làm việc cho nhân viên.
Diễn giả không chỉ dừng lại ở một vài lĩnh vực quen thuộc mà có thể là đa tầng lĩnh vực phong phú, chẳng hạn như:
- Diễn giả về kinh doanh/khởi nghiệp/ học làm giàu.
- Diễn giả về tâm lý.
- Diễn giả về nghệ thuật bán hàng.
- Diễn giả về marketing.
- Diễn giả về chứng khoán.
- Diễn giả về môi trường.
- Diễn giả về giáo dục.
- Diễn giả về sách.
- Diễn giả về nhân sự.
- Diễn giả về tâm linh, v.v.
Mô tả công việc diễn giả chi tiết
Mỗi lĩnh vực sẽ cần đến những diễn giả có sự am hiểu chuyên sâu về lĩnh vực đó, do đặc thù hay tính chất của mỗi công việc là khác nhau nên các nhiệm vụ của từng diễn giả có thể không giống nhau.
Tuy nhiên, MH Group sẽ cung cấp một số thông tin để bạn có thể hình dung ra công việc của diễn giả là gì, một số hoạt động mà các diễn giả thường làm đó là:
- Họp bàn với đơn vị tổ chức sự kiện để trao đổi về kịch bản, quy trình tổ chức; hay gặp gỡ ban tổ chức để chọn ra chủ đề phù hợp nhất với sở thích và nhu cầu của khán giả.
- Tiến hành một số nghiên cứu để nắm được những thông tin cần thiết đối với chủ đề sẽ nói.
- Lập dàn ý và chuẩn bị kịch bản bài diễn thuyết.
- Diễn tập và hoàn thành bài phát biểu của mình.
- Đảm bảo rằng các tài liệu có sẵn để tham khảo trong bài phát biểu, chẳng hạn như tài liệu cầm tay, hình ảnh và slide PowerPoint.
- Chủ động di chuyển tới khu vực diễn ra sự kiện.
- Tuân thủ các quy tắc về trang phục, ngoại hình và cách sử dụng ngôn ngữ do người tổ chức sự kiện quy định.
- Kiểm tra lại toàn bộ các thiết bị âm thanh cùng một số thiết bị cần thiết khác trước khi lên sân khấu hoặc trước khi tham gia buổi nói chuyện thông qua các phương tiện truyền thông như đài phát thanh hoặc truyền hình.
- Trình bày những nội dung đã được thống nhất từ trước.
- Sử dụng các công cụ hỗ trợ trực quan, chẳng hạn như biểu đồ, đồ thị, bản vẽ và ảnh, để tăng cường truyền đạt ý tưởng.
- Trình bày những luồng thông tin mới hoặc các chủ đề đáng quan tâm với cách thể hiện thú vị nhằm thu hút khán giả
- Trả lời các câu hỏi và tương tác nhiệt tình với khán giả.
- Hỗ trợ một số hoạt động tuyên truyền, truyền thông khác sau sự kiện (nếu cần).
Lưu ý: Để trở thành một diễn giả không đòi hỏi và bắt buộc ở bạn phải bằng cấp chuyên môn, có học hàm, học vị cao nhưng sẽ yêu cầu đặc biệt ở kiến thức của các lĩnh vực mà bạn lựa chọn trước khi dấn thân vào công việc này.
Dù bạn là diễn giả trong lĩnh vực nào đi chăng nữa, bản thân bạn cũng cần có sự hiểu biết ít nhất về một mảng cụ thể.
Kỹ năng cần có của diễn giả là gì?
Liệu bạn có thắc mắc về những kỹ năng mà bản thân cần trang bị nếu muốn làm diễn giả là gì hay không? Dưới đây là một số phẩm chất mà mỗi diễn giả cần có để làm tốt nhiệm vụ người truyền cảm hứng cho cộng đồng:
Kỹ năng giao tiếp, kết nối
Là một diễn giả có tâm trong nghề, một người có tác phong chuyên nghiệp thì bạn chắc hẳn phải là người hiểu rõ nhất những gì mình nên nói. Vì vậy, sử dụng kỹ năng khuấy động đám đông và khích lệ người nghe đặt ra những câu hỏi để liên hệ với khán giả.
Kỹ năng giao tiếp ở đây không chỉ nằm trong khả năng kết nối với mọi người, mà còn thể hiện ở việc bạn biết cách lắng nghe để chia sẻ và biết giao tiếp bằng ngôn ngữ cơ thể và thị giác.
Do đó, hãy học cách lắng nghe nhiều hơn và rèn luyện thêm các kỹ năng khác để có thể giao tiếp tốt trước hàng ngàn khán giả.
Sự tự tin
Có thể xem sự tự tin chính là chiếc chìa khóa quan trọng nhất để mở ra những cơ hội thành công trong buổi diễn thuyết của người diễn giả.
Khi có sức khỏe tốt và một tâm trí vững vàng thì bạn mới có thể làm chủ được cảm xúc của bản thân và truyền tải những năng lượng tích cực đó đến với người nghe.
Kiến thức chuyên sâu
Biết cách truyền đạt kiến thức chuyên sâu về chủ đề bạn đang trình bày sao cho dễ hiểu cũng là một kỹ năng quan trọng đối với diễn giả trước công chúng.
Bạn có thể sử dụng kiến thức của mình về chủ đề nào đó để thu hút khán giả và khiến họ quan tâm đến những gì bạn nói. Bạn cũng có thể nhắc đến những trải nghiệm của mình về chủ đề này để trả lời các câu hỏi của khán giả và cung cấp cho họ các thông tin hữu ích.
Sáng tạo
Bất kỳ ngành nghề nào cũng cần đến sự sáng tạo và diễn giả không phải là ngoại lệ.
Đây là một trong những kỹ năng vô cùng quan trọng bởi trong những buổi diễn thuyết, chắc chắn rằng bạn sẽ phải đối mặt với những chủ đề nhàm chán và việc mà bạn cần làm đó là biến tấu khiến nó trở nên thú vị hơn thông qua cách truyền tải và diễn đạt khéo léo của mình.
Khả năng ghi nhớ
Một diễn giả trước cần phải có kỹ năng ghi nhớ tốt để họ có thể nhớ lại thông tin và truyền đạt thông tin đó đến khán giả của mình. Điều này đặc biệt quan trọng, nếu bạn đang nói trước rất nhiều khán giả. Bạn có thể cần nhớ tới các số liệu thống kê, ngày tháng, tên và nhiều thông tin khác.
Thực hành bằng cách viết ra những thông tin chính mà bạn có thể cần đến sử dụng và sau đó kiểm tra các ghi chú này trước bài phát biểu của mình.
Khả năng ứng biến, giải quyết vấn đề
Các diễn giả trước công chúng nên có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để đảm bảo họ có tất cả thông tin cần thiết để trình bày chủ đề của mình.
Điều quan trọng là phải có kế hoạch cho bài diễn thuyết của bạn, bao gồm những gì bạn sẽ nói, những gì bạn sẽ trình bày và những gì bạn sẽ làm. Điều này sẽ giúp bạn luôn trong tư thế sẵn sàng và tự tin khi trình bày.
Nghề diễn giả ở Việt Nam và tiềm năng phát triển
Đối với thị trường quốc tế, nghề diễn giả đã quá đỗi quen thuộc với người dân các nước, tuy nhiên tại Việt Nam đây vẫn là một ngành nghề khá mới. Mặc dù đã có nhiều thay đổi trong những năm qua, nghề diễn giả được nhiều người biết đến hơn nhưng nhìn chung nghề diễn thuyết ở Việt Nam chưa thực sự được khai thác sâu rộng.
Hiện nay, các diễn giả mọc lên hàng loạt, nhiều người tự gán cho mình cái danh xưng này để đổi lấy tiếng tăm và vật chất trong khi bản thân không tạo ra giá trị thực cho cộng đồng, họ thậm chí chưa đạt được thành tựu gì trong cuộc sống.
Bên cạnh đó lại có những người tràn đầy nhiệt huyết, luôn mang những điều tốt đẹp đến với xã hội, có những nghĩa cử cao đẹp và họ trở thành tấm gương, động lực phấn đấu để mọi người noi theo, đây mới là những diễn giả thực thụ.
Một số cái tên thường xuyên được nhắc đến khi nghĩ tới ngành nghề này đó là:
- Nick Vujicic – diễn giả người Úc, nổi tiếng trong lĩnh vực truyền cảm hứng về động lực của cuộc sống và về giá trị con người.
- Tỷ phú Jack Ma – một diễn giả nổi tiếng của thế giới trong lĩnh vực kinh doanh thành công.
- Steve Jobs – cựu chủ tịch tập đoàn Apple.
- Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, v.v.
Còn tại Việt Nam, người được biết đến nhiều nhất không ai khác chính là:
- Giáo sư Lê Thẩm Dương – một diễn giả nổi tiếng với những bài giảng về kỹ năng sống, kiến thức chuyên môn cùng những triết lý bất hủ cho mọi lứa tuổi.
- Diễn giả nổi tiếng Trần Thành Nam – là người quảng bá “tư duy thịnh vượng”.
- Diễn giả nổi tiếng Bùi Trọng Giao – người luôn ước muốn mọi người có thể thay đổi được cuộc đời của bản thân.
Lương nghề diễn giả
Mức thu nhập chính xác của một diễn giả không được tiết lộ công khai, nhưng chung quy lại đây vốn là một “nghề” hái ra tiền nên có mức lương khá cao.
Một diễn giả nổi tiếng có thể kiếm được hàng trăm triệu cho mỗi một buổi diễn thuyết trong vài tiếng đồng hồ, còn với những ai mới vào nghề và độ nhận diện chưa cao thì thu nhập rơi vào khoảng 5 – 7 triệu hoặc tối đa là 10 – 20 triệu đồng/ buổi.
Có thể thấy rằng so với hầu hết các công việc văn phòng, thu nhập của một diễn giả với một chương trình có thể bằng hoặc hơn một tháng lương của họ. Trái lại, đây không phải là một công việc ổn định và có tính lâu dài, có thể trong nhiều tháng hoặc có khi một năm mới có vài hoạt động.
Đổi lại, khi trở thành một diễn giả nổi tiếng, bạn có thể kiếm thu nhập khác từ những công việc như nhận quảng cáo, marketing, bán sách, v.v.
Diễn giả học ngành gì, ở đâu?
Một số công ty đào tạo ở Việt Nam là nơi học viên trở thành diễn giả như TGM, Ask, v.v.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tham gia các câu lạc bộ ở nước ngoài như International Training in Commumication hay Rostrum, Toastmasters International, tại đây thành viên có cơ hội thực hành để phát triển kỹ năng trình bày trước đám đông.
Một số khóa học có uy tín và chất lượng là các khóa học của TGM.
Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm đọc một số đầu sách bổ ích như “The secrets of good communication” của Larry King, “Say it like Obama” của Shel Leanne, hoặc tham khảo các video trên Youtube.
Hy vọng rằng thông qua bài viết này và những thông tin mà MH Group vừa chia sẻ, bạn đã có thể hình dung rõ hơn về nghề diễn giả là gì, công việc của họ và những cơ hội để dấn thân trở thành một diễn giả.