Bạn đang tự hỏi vì sao các tin tuyển dụng thường yêu cầu ứng viên có kỹ năng giao tiếp tốt? Thực tế cho thấy, khả năng giao tiếp hiệu quả với cấp trên, đồng nghiệp và đối tác là rất quan trọng, không phân biệt ngành nghề.
Ngay cả trong các ngành ít gặp gỡ, giao lưu với nhiều người như kế toán, lập trình viên, thiết kế, v.v., kỹ năng giao tiếp vẫn là yếu tố không thể thiếu.
Kỹ năng giao tiếp giúp bạn thuận lợi hơn trong việc chinh phục mục tiêu công việc và nhận được hỗ trợ từ mọi người trong quá trình làm việc.
Nếu bạn là người hướng nội và lo lắng về khả năng giao tiếp của mình, hãy cùng tìm hiểu những bí quyết giúp cải thiện kỹ năng giao tiếp cho người hướng nội dưới đây!
Tận dụng điểm mạnh giao tiếp trong nhóm nhỏ
Người hướng nội không phải là người quảng giao nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc họ kém trong giao tiếp.
Thực tế, người hướng nội thích giao tiếp trong một nhóm nhỏ (chỉ từ 2-3 người) và có thể mạnh trong tương tác 1:1. Xu hướng này thực sự là một lợi thế, đặc biệt là trong các lĩnh vực Kinh doanh, Bán hàng, v.v., bởi sự tin cậy thường được xây dựng trong những cuộc trò chuyện sâu sắc và gần gũi.
![Lời khuyên về kỹ năng giao tiếp cho người hướng nội là hãy tận dụng lợi thế giao tiếp trong nhóm nhỏ](https://Chúng tôi.com/vn/blog/wp-content/uploads/2021/12/asia-businesspeople-chatting-intern-discussing-job-interview-colleagues-having-conversation-communication-meeting-brainstorming-ideas-about-project-working-plan-success-strategy-office_7861-2450.jpg)
Vì vậy, để đạt được hiệu quả cao nhất trong các cuộc trò chuyện, hãy tận dụng lợi thế này và tập trung thời gian làm việc với những người quan trọng và có liên quan nhất.
Nếu bạn cần bàn luận về một dự án, hãy mời những người có vai trò quan trọng nhất tham gia cuộc họp, hoặc chia thành từng cuộc họp nhỏ với các bên có liên quan.
Nếu bạn muốn tiếp cận khách hàng, thay vì áp dụng Cold calling hoặc tham gia các diễn đàn, hội chợ lớn, hãy xác định một số khách hàng tiềm năng nhất và tiếp cận 1:1 với họ.
Bắt đầu luyện tập từ các cuộc trò chuyện 1-1
Khởi đầu luôn rất quan trọng, đặc biệt là những điều mới mẻ. Lời khuyên cho những người hướng nội là ban đầu hãy tập trung nhiều vào những cuộc giao lưu trong các nhóm nhỏ hoặc 1:1.
Làm quen cách giao tiếp cho người hướng nội với ít đối tượng giao tiếp, sẽ giúp bạn xây dựng sự tự tin.
Sau đó, bạn có thể bắt đầu tham gia vào các sự kiện đông người hơn và tăng dần đối tượng giao tiếp.
Ngoài ra, một lợi ích khác của giao tiếp 1-1 chính là một cuộc trò chuyện sâu, tạo cảm giác thân mật hơn và cũng dễ tiếp nhận các thông tin hơn so với nói chuyện với một nhóm người.
Luôn chuẩn bị “ý tưởng” khi giao tiếp giữa nhóm đông
Đám đông đôi khi khiến bạn không cảm thấy thoải mái và thiếu tự tin khi giao tiếp. Tuy nhiên, đó chỉ là khi bạn không tìm được chủ đề cho cuộc đối thoại của mình.
![Một bí quyết giao tiếp cho người hướng nội đó là hãy chuẩn bị trước một số chủ đề có thể đem ra để trò chuyện.](https://Chúng tôi.com/vn/blog/wp-content/uploads/2021/12/beautiful-young-smiling-asian-woman-working-laptop-desk-living-room-home_7861-802.jpg)
Một cách giao tiếp hiệu quả cho người hướng nội đó là hãy chuẩn bị trước một số chủ đề có thể đem ra để trò chuyện, chẳng hạn như:
- Gần đây có gì mới và thú vị trong công việc của bạn không?
- Tuần làm việc vừa rồi có gì đáng nhớ nhất với bạn?
- Chuyện [một sự kiện đang được quan tâm] có vẻ đang nóng nhỉ, bạn nghĩ gì về điều đó?
Nếu bạn vẫn chưa chắc chắn về kỹ năng giao tiếp của một người hướng nội như mình, hãy nghĩ về Susan Cain như một niềm cảm hứng. Susan là một trong những diễn giả có lượt theo dõi cao nhất tại TED Talk. Cô ấy cũng là người hướng nội và có những bài diễn thuyết truyền cảm hứng tích cực.
Luôn luyện tập trước
Trong giao tiếp gặp mặt hằng ngày hay những lần thuyết trình trước đám đông, đối với người hướng nội đều không dễ dàng như nhau. Bí quyết giao tiếp cho người hướng nội thêm phần tự tin, kiểm soát được cảm xúc chính là tập luyện trước.
Nếu trong một cuộc họp, bạn cần trình bày nhưng lại khó mở lời trước đám đông, hãy luyện tập thật kỹ bài thuyết trình trước gương và tưởng tượng một viễn cảnh rất nhiều người quan sát. Càng tập nhuần nhuyễn, bạn sẽ càng tự tin.
Giả sử nếu là một buổi đi chơi, gặp mặt, sau khi lên ý tưởng về những câu chuyện mà bản thân muốn chia sẻ, hãy luyện tập và ghi nhớ nó, mạnh dạn đóng góp những chuyện vui hay tâm đắc mình đã trải qua để cải thiện khả năng giao tiếp.
Suy nghĩ nhưng đừng im lặng
Trong một cuộc họp hay trò chuyện, đừng lo nếu bạn có xu hướng tập trung vào suy nghĩ nhiều hơn là lên tiếng thảo luận!
Việc không đưa ra câu trả lời ngay lập tức không phải là một vấn đề lớn. Tuy nhiên, bạn cần đưa ra một phản ứng nào đó để những người xung quanh biết rằng, bạn đang có những suy nghĩ của riêng mình và sẽ quay lại sau khi đã cân nhắc thấu đáo câu trả lời.
Theo Val Nelson, một nhà văn viết về người hướng nội, bạn có thể phản hồi với mọi người rằng: “Tôi nghĩ ý kiến của bạn khá thú vị; tuy nhiên tôi có một vài suy nghĩ cần được định hình rõ hơn nên sẽ quay lại với nó một lát sau.”
Điều này sẽ khiến mọi người xung quanh cảm thấy ít khó xử hơn là khi bạn đáp lại câu hỏi của họ bằng một sự im lặng. Họ còn có thể sẽ đánh giá cao sự tinh tế trong cách tiếp cận của bạn.
Ngoài ra, để tránh tạo ra những khoảng lặng vì thói quen suy nghĩ của mình, bạn có thể tập ghi chép vào sổ tay một vài ý kiến của mình trước cuộc họp để có thể trao đổi và chia sẻ với mọi người.
Dành cho bản thân những khoảng lặng
Theo Marti Laney, người hướng nội là những người chu đáo, giàu trí tưởng tượng, có xu hướng làm việc độc lập và suy nghĩ vượt trội.
Những điểm mạnh này đặc biệt phát huy tốt khi họ ở một mình hoặc sau khi nạp lại đầy đủ năng lượng cho bản thân!
Vì thế, bí quyết giao tiếp cho người hướng nội đôi khi lại chính là ngừng giao tiếp. Thay vào đó, hãy dành một chút thời gian để nghỉ ngơi, tận hưởng khoảng thời gian một mình để nạp lại “bình năng lượng” đang cạn kiệt của mình.
Để làm được điều đó, bạn có thể xác định xem thời gian nào nên được dùng để nghỉ ngơi và tránh đặt những cuộc họp, cuộc hẹn cần giao tiếp nhiều vào khoảng thời gian đó.
Học cách lắng nghe và phản hồi
Một trong những ưu điểm của người hướng nội chính là khả năng lắng nghe. Họ thường chọn cách im lặng và lắng nghe câu truyện thay vì cất tiếng nói, tranh luận, bàn cãi về một vấn đề nào đó.
Tuy nhiên, lắng nghe tốt là chưa đủ. Nếu bạn đang tìm bí quyết giao tiếp cho người hướng nội, hãy phát huy khả năng phân tích tình huống mà người nói đang cố trình bày.
Nếu bạn hiểu tốt vấn đề và phân tích được tình huống đúng sai, bạn sẽ có thể tự tin hơn trong việc đưa ra phản hồi ở tất cả các cuộc trò chuyện.
Kiểm soát ngôn ngữ cơ thể
Giao tiếp hiệu quả không chỉ trong lời nói, mà còn được thể hiện qua cử chỉ cơ thể và nét mặt.
Một mẹo giao tiếp cho người hướng nội là không thể hiện sự luống cuống bằng ngôn ngữ cơ thể.
Thay vào đó, hãy kiểm soát cử chỉ để tạo phong thái điễm tĩnh và tự tin. Hạn chế không nhìn xuống khi nói. Nếu bạn chưa quen giao lưu ánh mắt, bạn có thể chọn một điểm an toàn ở một người hoặc một đồ vật để nhìn khi phát biểu.
Không ép bản thân phải thể hiện quá giới hạn
Kỹ năng giao tiếp cho người hướng nội cần được cải thiện từng chút một qua thời gian. Đừng gắng ép bản thân phải làm những điều hay, điều tốt mà thể trạng hay tinh thần chưa cho phép. Chúng sẽ chỉ khiến bạn cảm thấy nản chí hơn.
Bạn vốn là người ít nói, kiệm lời, nên trong một thời gian ngắn không thể sôi động được như những cá nhân khác. Hãy ghi nhớ, không quá khắt khe để bản thân có những khoảng lặng riêng và nhìn lại những thành công nhỏ ban đầu trong giao tiếp.
Tránh xa những người không tôn trọng cá tính của bạn
Khi luyện tập kỹ năng giao tiếp cho người hướng nội, sự tự tin là một yếu tố quan trọng hàng đầu.
Đừng để những cảm xúc hoặc đánh giá tiêu cực chi phối sự tự tin của bạn. Hãy tự nhủ rằng thay đổi cách giao tiếp cho người hướng nội là điều không dễ, bạn cần thời gian và sự nỗ lực để thực hiện.
Do đó, những nhận xét tiêu cực không đáng để bạn phải buồn rầu hay nhụt chí. Đơn giản là gạt chúng sang một bên và tiếp tục là chính mình.
Thoát khỏi áp lực trò chuyện
Thời gian đầu khi chưa quen, bạn có thể cảm thấy bị ngột ngạt trong những cuộc trò chuyện dài hơi. Hãy mạnh dạn cắt ngang câu chuyện bằng cách xin phép đi vệ sinh, uống nước, lấy nước, hay một lời đề nghị nghỉ giải lao thẳng thắn.
Hãy dành khoảng thời gian ngắn này để cho não bộ được nghỉ ngơi, hít thở sâu và đưa bản thân về với tình trạng tỉnh táo để trở lại tham gia vào cuộc hội thoại với mọi người.
Đó chính là thời điểm hầu hết các ý tưởng tốt nhất của bạn sẽ xuất hiện – những ý tưởng mạnh mẽ, độc đáo và tạo sự khác biệt. Và đừng quên ghi nhớ một vài ý tưởng bạn thích nhất. Bạn có thể sử dụng chúng để bắt đầu lại một cuộc trò chuyện thú vị với người khác đấy!
Nguồn: MH Group