Đã có lúc nào bạn cảm thấy để có được cảm tình của người khác hoặc để sống “dĩ hoà vi quý” mà bạn đang quên đi chính quyền lợi của bản thân mình chưa? Nếu câu trả lời là có thì có lẽ bạn đã vô thức trở thành một people pleaser. Và people pleaser nghĩa là gì và tại sao bạn không nên để mình ở trong tình trạng này mãi? Tìm hiểu cùng Chúng tôi nhé!
People pleaser là gì?
People pleaser nghĩa là người muốn làm hài lòng người khác, kể cả nếu họ phải hy sinh lợi ích của bản thân. Nếu bạn là một people pleaser, bạn thường cảm thấy phải đặt yêu cầu của người khác lên trên mong muốn của mình, thậm chí không sống thật với bản thân chỉ vì sợ làm người khác phật ý.
Ví dụ, bạn có thể đồng ý làm hộ việc mà người khác nhờ dù bạn đang bận sẵn rồi. Điều phân biệt rạch ròi tính cách này với sự nhiệt tình vừa đủ là bạn sẽ không bao giờ từ chối khi bị nhờ vả. Bạn cũng có thể ít phản bác ý kiến của người khác chỉ vì sợ sẽ gây ra xung đột.
Cảm giác giúp đỡ, hỗ trợ được người khác sẽ làm bạn cảm thấy hài lòng nhưng chỉ trong thời gian ngắn; và bạn sẽ dần quên mất lợi ích của bản thân chỉ để chạy theo chăm sóc người khác dù họ có thật sự trân trọng công sức của bạn hay không.
Đọc thêm: Khiêm Tốn Là Gì? Ranh Giới Giữ Sự Khiêm Nhường Và Khiêm Tốn Quá Mức
Dấu hiệu của một people-pleaser
Các biểu hiện dưới đây sẽ giúp bạn xác định rõ hơn liệu bạn có đang vô thức cố gắng lấy lòng tất cả mọi người:
- Khó từ chối khi được nhờ vả hoặc giao nhiệm vụ
- Thường làm thêm việc dù không có thời gian
- Đồng ý làm quá nhiều việc, nhận quá nhiều trách nhiệm
- Không lên tiếng bảo vệ nhu cầu của mình
- Thường không đưa ra ý kiến thật sự của mình mà chỉ đồng ý với ý kiến của người khác
Ngoài ra, những người luôn cố làm người khác hài lòng sẽ không lên tiếng dù họ có cảm giác như bị lợi dụng, bị căng thẳng vì phải gánh quá nhiều trách nhiệm hoặc luôn phải tỏ ra thân thiện.
Làm gì để không còn là một people pleaser?
Sợ làm mích lòng người khác là một tâm lý dễ hiểu. Tuy nhiên, bạn nên biết rõ ràng thời điểm lòng tốt của bạn đã vô tình làm bạn trở thành nạn nhân của sự lợi dụng. Cùng Chúng tôi tìm hiểu các nguyên tắc bất di bất dịch dưới đây để “tránh hội chứng người tốt” nhé.
Không cần làm hài lòng tất cả mọi người
Bạn hãy nhớ rằng không phải ai cũng coi trọng sự cố gắng của bạn. Dù bạn làm gì, thậm chí sẵn sàng hy sinh quyền lợi của mình để giúp đỡ họ, có khi họ lại coi đó là chuyện đương nhiên và không quý trọng những gì bạn đã làm.
Vì vậy, dù chúng ta có tâm lý “cho đi không cần nhận lại”, nhưng bạn cần ưu tiên những người thật sự quan trọng với mình, những người coi trọng công sức và sự tồn tại của bạn.
Giúp đỡ có chừng mực
Một điều nữa mà bạn nên hiểu là bạn nên đặt ra giới hạn và biết rõ khi nào nên tiếp tục hoặc ngừng giúp đỡ người khác. Khi đi quá sự giới hạn, bạn sẽ dễ bị kiệt sức và mất thời gian hoàn thành những chuyện cá nhân.
Bạn có thể lắng nghe và đưa ra lời khuyên, nhưng hãy học cách từ chối khi cần, đặc biệt là khi họ có dấu hiệu lợi dụng bạn để trục lợi cho bản thân (ví dụ như nhờ bạn làm việc hộ quá nhiều, vay tiền mãi không trả, v.v.)
Với vấn đề này, bạn nên học cách trở nên tự tin và biết cách bảo vệ lập trường của mình hơn. Hãy nói thẳng, tránh biện minh hoặc giải thích lòng vòng tại sao bạn không thể ra tay giúp đỡ khi họ nhờ vả, vì làm thế sẽ cho họ cơ hội vặn vẹo bạn thêm mà thôi.
Tập trung vào bản thân hơn
Một trong những lý do tạo nên tâm lý people pleaser là gì? Nó bắt nguồn từ suy nghĩ sợ bị bỏ rơi, bị ghét bỏ và chưa thật sự tự tin về bản thân.
Do đó, đầu tiên bạn nên dành thời gian lắng nghe và hiểu nhu cầu thật sự của mình. Thay vì sống vì ánh nhìn của người khác, bạn nên uốn nắn, trau dồi bản thân với kỹ năng, kiến thức mới. Làm một cá thể độc lập sẽ luôn chắc chắn hơn cách sống ký sinh, đúng không nào?
Hãy rèn luyện nhận thức của bản thân, ý thức về điểm mạnh của mình và học cách cải thiện điểm yếu. Mục tiêu cuộc sống của bạn là làm nhân vật chính trong câu chuyện cuộc đời mình, nên đừng chỉ mãi làm nhân vật phụ trong câu chuyện của người khác.
Cân bằng các mối quan hệ
Một lần nữa, “cho đi không cần nhận lại” là phong cách sống rất đáng khen. Tuy nhiên câu nói này chỉ đúng một phần. Trong bất kỳ mối quan hệ nào, việc cân bằng giữa sự cho đi và nhận lại là rất quan trọng.
Nếu chỉ một người hy sinh và chu cấp trong khi người còn lại không quý trọng hoặc quá nhỏ nhen thì mối quan hệ sẽ đi đến ngõ cụt. Vì vậy, dù là trong mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp hay tình cảm, một mối quan hệ mà hai bên cùng chia sẻ, cùng nâng đỡ và giúp nhau sửa đổi mới có thể đi đoạn đường dài.
Bạn hãy cố gắng phân biệt thế nào là mối quan hệ độc hại, thế nào là mối quan hệ cân bằng, từ đó tự vây quanh mình với nguồn năng lượng tích cực nhé.
Đọc thêm: Năng Lượng Tiêu Cực Là Gì? Cách Bảo Vệ Nguồn Năng Lượng Tích Cực
Lời kết
Trên đây là chia sẻ của Chúng tôi về định nghĩa people pleaser là gì cũng như cách để chúng ta sống hài hoà, cân bằng hơn. Đừng ngại để lại bình luận để giúp Chúng tôi cải thiện các bài viết mới nhất nhé!