Kiên nhẫn là gì và sự kiên nhẫn có tác dụng gì trong cuộc đời mỗi người? Khi bạn học được cách kiên nhẫn cũng là khi bạn biết ứng xử tốt hơn và trở thành người thành đạt hơn nữa.
Tính kiên nhẫn là gì?
Kiên nhẫn là trạng thái bình tĩnh khi đối mặt với khó khăn, các tình huống gây nên sự khó chịu và mệt mỏi. Sự kiên nhẫn cũng là khả năng bạn chấp nhận hoặc chịu đựng những chuyển biến tiêu cực mà không quá lo lắng hay trở nên hoảng loạn. Đức tính này tập trung vào khả năng chờ đợi, để sẵn sàng vượt qua khó khăn trước khi đạt được kết quả mong muốn.
Chúng ta thường có sự nhầm lẫn giữa sự kiên trì và kiên nhẫn. Khác một chút so với kiên nhẫn, thì kiên trì là khả năng tiếp tục làm việc, cố gắng không bỏ cuộc dù gặp phải trở ngại, để từ đó hoàn thành mục tiêu đã đề ra.
Đây đều là những đức tính không phải ai cũng có được, đặc biệt là trong một thế giới hối hả, vội vã hiện nay.
Càng hiện đại, con người càng thiếu kiên nhẫn
Người thiếu kiên nhẫn thường không có khả năng chờ đợi hoặc không thể chịu đựng được khi có sự trì hoãn hay khó khăn trong quá trình làm việc. Họ phải có được kết quả ngay lập tức và sẽ trở nên bất mãn, bỏ cuộc nhanh chóng, thậm chí vô cảm với môi trường và cảm xúc, nhu cầu của người khác.
Và sự thật là, bạn không phải là người duy nhất mất đi sự kiên trì, nhẫn nại trong những năm gần đây. Sự chuyển mình trong văn hoá và công nghệ đang dần làm chúng ta quen với những sự hài lòng tức khắc (instant gratification). Nguyên nhân đến từ sự tự động hoá ở mọi mặt, ví dụ như:
- Bạn muốn tìm kiếm thông tin, nghe một bài hát, xem một chương trình TV, thì chỉ cần một cú nhấp chuột là xong.
- Bạn muốn ăn bữa tối hoặc mua đồ ăn cho cả tuần, thì chỉ cần gọi giao hàng là mọi thứ sẽ được giao đến tận cửa.
- Những chiếc “like” và “share” trên mạng tạo ra phản ứng dopamine cực nhanh (hormone tăng cảm giác thỏa mãn)
Một nghiên cứu cho thấy 45% thế hệ Millennial cảm giác họ mất kiên nhẫn đi rất nhiều sau sự phát triển của công nghệ. Chúng ta đang sống trong thời đại mà mọi kiến thức của con người đều có sẵn ngay trong tầm tay. Hầu như không còn câu hỏi nào là không có câu trả lời.
Sau khi quá quen với những tình huống đòi hỏi ít công sức mà vẫn nhận lại thành quả và nhiều lợi ích ngay tức thì, chúng ta đã vô tình để mức độ kiên nhẫn ngày càng xuống dốc.
Sự kiên nhẫn có tác dụng gì?
Trong công việc và cuộc sống, nhiều lúc chúng ta muốn trở nên kiên nhẫn hơn cũng thật khó. Chẳng hạn như những vị sếp tồi, đồng nghiệp thiếu chuyên nghiệp, những lời nói, hành động vô tư đến mức vô tâm từ chính những người thân thiết nhất, v.v. Rất nhiều thứ có thể làm chúng ta bùng nổ bất cứ lúc nào và để giữ một cái tâm “tĩnh” giữa những môi trường như vậy thật rất khó khăn.
Tuy nhiên khi có được sự kiên nhẫn, bạn sẽ:
Đạt được mục tiêu
Lòng kiên nhẫn giúp bạn chịu đựng được để rồi vượt qua thách thức và trở ngại trong quá trình đạt được mục tiêu, ước mơ đã đặt ra. Chúng ta sẽ không nản lòng khi gặp thất bại và tiếp tục nỗ lực cho đến khi thành công.
Xây dựng lòng kiên trì
Sự kiên nhẫn còn giúp bạn xây dựng lòng kiên trì, khả năng tiếp tục làm việc mặc dù gặp phải khó khăn. Bạn chắc chắn sẽ không từ bỏ quá sớm và sẽ tập trung cao độ vào quá trình học tập, làm việc và phát triển bản thân.
Giải quyết vấn đề
Khi phải đối mặt với vấn đề phức tạp, sự kiên nhẫn giúp chúng ta giữ cái nhìn tổng quan nhất và tìm ra các giải pháp tối ưu. Thay vì vội vàng quyết định, chúng ta lại kiên trì tìm hiểu và thử nghiệm những phương pháp khác nhau để vượt qua vấn đề.
Xây dựng lòng tin
Tác dụng của sự kiên nhẫn là gì? Đó là lòng tin, sự tín nhiệm đến từ những người xung quanh dành cho bạn. Ví dụ, kiên nhẫn trong công việc sẽ giúp bạn có tác phong chuyên nghiệp hơn thay vì chỉ có chuyên môn mà tính khí thất thường, dễ nổi cáu.
Những người phụ huynh có tính kiên nhẫn cũng nuôi dạy con cái tốt hơn và làm cái gương tốt cho những đứa trẻ đang trên con đường trưởng thành.
Trong vòng bạn bè, một người bạn kiên nhẫn cũng có khả năng giữ hoà khí, giải quyết xung đột tốt hơn. Nhìn chung, những người kiên nhẫn nhẫn nại thường dĩ hoà vi quý và được nhiều người tín nhiệm.
Đọc thêm: Dĩ Hòa Vi Quý Là Gì? Sẽ Thế Nào Nếu Không Biết Sống Dĩ Hoà Vi Quý?
Học cách kiên nhẫn hơn liệu có khó?
Khi kiên nhẫn hơn, bạn sẽ đưa ra quyết định một cách thông minh hơn, giải quyết vấn đề triệt để, cải thiện sức khoẻ tinh thần và đạo đức của bản thân mình. Do đó, bạn hãy thực hành những cách sau để trở thành người kiên nhẫn hơn nhé.
Chấp nhận tình huống đang xảy ra ở hiện tại
Dù tình huống đó là gì, dù là bị tắc đường hay mắc kẹt với một công việc mà bạn không thích, việc bạn chấp nhận những gì xảy ra ở thời điểm hiện tại sẽ giúp bạn bình tĩnh hơn. Thay vì nổi cáu, bất mãn và thể hiện thái độ tiêu cực, bạn hãy tập trung nhớ là những khó khăn ở hiện tại sẽ qua đi và điều tốt hơn chắc chắn sẽ tới.
Ưu tiên công việc hợp lý
Sắp xếp công việc và thời gian hợp lý sẽ giúp bạn bớt bị áp lực và cải thiện sự kiên nhẫn hơn với từng nhiệm vụ. Bạn có thể áp dụng nguyên tắc Pareto (luật 80/20) để sắp xếp các nhiệm vụ theo mức độ quan trọng của chúng.
Quản lý cảm xúc, quản lý áp lực
Để có thể quản lý stress và xử lý cảm xúc một cách hiệu quả, bạn hãy học các kỹ thuật như thiền, ghi chú, thể dục, hít thở sâu để giảm tải căng thẳng, duy trì sự kiên nhẫn.
Thay đổi tư duy
Một trong các lý do dẫn tới sự thiếu kiên nhẫn là gì? Đó là tư duy tiêu cực và quá vội vã – một khi không đạt được ngay lập tức là sẽ không thể tiếp tục. Do đó, thay vì đánh giá thành công tức thì dựa trên kết quả, bạn hãy tập trung vào quá trình và những bước tiến mà bạn đã và đang làm được.
Học hỏi từ trải nghiệm
Biết nhìn nhận thất bại và khó khăn là cơ hội để bạn học và phát triển. Đây cũng chính là tư duy cầu tiến. Bạn nên biết rút ra bài học từ những trải nghiệm, dù không thành công, và sử dụng chúng để cải thiện và tiếp tục đi đúng hướng.
Sống chậm lại
Nhiều khi, sự thiếu kiên nhẫn bắt nguồn từ phong cách sống quá nhanh, hay còn gọi là hustle culture. Cách sống “ăn xổi” và quá coi trọng phần thưởng sẽ làm bạn bỏ qua những thứ đang hiện hữu xung quanh. Vì vậy, hãy sống từ từ và chậm lại một chút để nhận ra rằng, các thước phim chậm cũng có giá trị riêng của chúng.
Mục tiêu thực tế
Khi đặt ra mục tiêu quá tầm với, bạn sẽ khó thành công và trở nên khó chịu, thất vọng với bản thân. Bởi vậy ngoài việc đặt mục tiêu với số liệu đo lường và phương tiện rõ ràng, bạn cũng nên chia mục tiêu dài hạn của mình thành các mốc nhỏ hơn, rồi dần dần đạt được chúng.
Khi ấy bạn vừa làm việc thông minh hơn, vừa trở nên kiên nhẫn và nhẫn nại hơn.
Trong một nền kinh tế thiếu chắc chắn với những thay đổi lớn diễn ra liên tục, các nhà lãnh đạo có thể liên tục thay đổi các ưu tiên và chính sách. Hoặc, cấp trên của bạn có thể không đưa ra được kế hoạch thăng tiến rõ ràng mà bạn muốn.
Nếu bạn kiên nhẫn và chủ động đưa ra các mong muốn, yêu cầu một cách thực tế, bạn cũng có được sự tín nhiệm và có trách nhiệm lớn lao hơn.
“Thất bại là mẹ thành công”
Dù dự án làm việc của bạn đi chệch đường ray hay mối quan hệ của bạn không còn khả năng cứu vãn, bạn cũng nên bỏ qua sự thôi thúc rằng bạn bắt buộc phải xử lý cho “ra ngô ra khoai” ngay lập tức. Nhiều lúc, cánh cửa này đóng lại chính là để cánh của khác mở ra, cho bạn cơ hội mới, hướng đi mới.
Đọc thêm: Nên Làm Gì Để Đối Mặt Với Thất Bại?
Luyện tập lắng nghe
Sự kiên nhẫn còn thể hiện qua khả năng bạn lắng nghe khi người khác chia sẻ với bạn. Vì vậy hãy tập lắng nghe thấu cảm, thấu hiểu khi người thân, đồng nghiệp của bạn tìm đến bạn. Nhiều khi, họ chưa chắc đã muốn tìm lời khuyên mà đơn giản là chỉ muốn có người lắng nghe câu chuyện của họ mà thôi.
Lời kết
Trên đây là chia sẻ của Chúng tôi về kiên nhẫn là gì và thế nào để học cách kiên nhẫn. Có được đức tính này, bạn chắc chắn sẽ tiến xa trong cả mặt sự nghiệp và cuộc sống.
Theo bạn, ngoài những mẹo trên, còn những cách nào để chúng ta cùng trở nên người kiên nhẫn hơn? Đừng ngại chia sẻ và đóng góp ý kiến với Chúng tôi nhé.