Chúng ta thường khó tránh khỏi những suy nghĩ tiêu cực. Nếu không phải là lo lắng về tài chính thì những mối bận tâm khác như sự nghiệp, thành tích, dự định tương lai cũng làm chúng ta đau đầu và không thể không lo lắng. Nhưng nếu tư duy tiêu cực diễn ra quá thường xuyên, lấn át cả những điều tốt đẹp trong cuộc sống của bạn, thì có lẽ đã đến lúc bạn cần sắp xếp lại những suy nghĩ của mình và nhấn nút “reset” để mọi thứ quay trở lại quỹ đạo của nó.
Bạn có biết tư duy tiêu cực thực chất còn có khá nhiều loại? Tìm hiểu xem bạn hay gặp phải tình trạng thế nào nhé/
Các kiểu tư duy tiêu cực thường gặp
1. Tư duy trắng đen
Hay còn gọi là “all-or-nothing thinking” hoặc tư duy bảo thủ, cách suy nghĩ này là khi bạn chỉ nhìn sự việc với hai màu đối lập. Sự việc chỉ có thể “100% tốt” hoặc “100% tệ”, không có ở giữa.
Cách suy nghĩ này có thể đến từ tâm lý cầu toàn. Nếu mọi việc không hoàn hảo như bạn muốn, thì bạn sẽ coi đó là thất bại.
2. Quy chụp
Quay chụp hay khẳng định quá mức (overgeneralization) còn có thể hiểu là đánh đồng một sự việc nhất thời thành một sự việc luôn luôn xảy ra. Bạn sẽ quá tập trung vào một chi tiết hoặc trải nghiệm tiêu cực rồi thổi phồng mức độ nghiêm trọng của nó trong cuộc sống của bạn.
Ví dụ, bạn đang làm nhân viên phục vụ nhà hàng. Sau một – hai lần làm vỡ đồ, bạn tự cho rằng điều xui xẻo luôn xảy ra với một mình bạn và bạn là một nhân viên vô dụng.
3. Sàng lọc tâm trí
“Mental filter” có thể hiểu là kiểu tư duy tiêu cực gì? Đó là cách bạn chọn sàng lọc điều tiêu cực nhất trong hàng loạt những thứ tích cực hơn.
Ví dụ về tư duy tiêu cực này có thể kể đến: Trong 20 feedback về một workshop bạn tổ chức, bạn nhận được 19 phản hồi khen ngợi và 1 phản hồi nói rằng bạn nên rút ngắn thời gian tổ chức lại. Sau đó, tất cả những gì còn lại trong đầu bạn chỉ có duy nhất phản hồi có chút tiêu cực đó, và cảm thấy bạn làm bao nhiêu cũng không đủ.
Với cách suy nghĩ này, bạn chỉ chăm chăm nhìn vào mặt tiêu cực của vấn đề dù nó rất nhỏ và không cho phép bản thân tin vào những thứ tốt đẹp hơn.
4. Kết luận vô căn cứ
Có thể nói, “jumping to conclusion” hay nhảy ngay tới kết luận là cách suy nghĩ rất thường gặp. Bạn đã bao giờ tự đưa ra kết luận trước khi cân nhắc những yếu tố hoặc góc nhìn khác chưa? Thường có hai hướng suy nghĩ thuộc về cách tư duy này:
- Kiểu ngoại cảm: Bạn nghĩ bạn có thể hiểu chính xác những gì người khác đang nghĩ trong đầu, từ đó bạn tự coi mình là đúng, áp đặt ý kiến của mình và bỏ qua những gì đối phương thật sự đang nghĩ hoặc cảm nhận.
- Kiểu dự đoán tương lai: Bạn biết bạn sẽ gặp khó khăn ngay cả trước khi sự kiện nào đó thật sự bắt đầu.
Tác hại của tư duy tiêu cực này là bạn có thể trở nên quá nhạy cảm hoặc thiếu tự tin, khó có thể hành động để đạt được mục tiêu.
5. Suy nghĩ cảm tính
“Emotional reasoning” là kiểu tư duy làm bạn tin theo cảm xúc của mình một cách vô điều kiện, bất chấp các bằng chứng cho thấy điều ngược lại.
Ví dụ bạn cảm thấy vô vọng khi chưa tìm được cách giải cho một bài toán khó, thì bạn cho rằng bài toán này chắc chắn không có lời giải hoặc không thể giải được.
6. “Nên” và “không nên”
Trong trường hợp này, bạn thường tự đặt ra những quy chuẩn về việc gì nên và không nên làm, sau đó áp lên chính mình và những người khác. Khi có chuyện xảy ra không như những gì bạn nghĩ, bạn sẽ đổ lỗi cho người khác và đôi khi là cả chính bản thân mình.
Ví dụ, bạn thường nghĩ rằng, “Đáng lẽ tôi nên làm theo cách của tôi thay vì nghe lời cậu. Tại cậu mà chuyện này đã xảy ra”.
Đọc thêm: Overthinking Là Gì? Cách Để Dập Tắt Overthinking Và Suy Nghĩ Tích Cực Hơn
7. Tự đổ lỗi cho bản thân
Bạn thường tự nhận trách nhiệm và cảm thấy ân hận kể cả vì những chuyện không nằm trong tầm kiểm soát của bạn. Đây là một trong những dấu hiệu overthinking hay gặp. Và việc phóng đại vấn đề hay tự dằn vặt vì những chuyện hoàn toàn có thể bỏ qua được sẽ chỉ làm bạn mệt mỏi thêm.
8. Phóng đại hoặc giảm nhẹ quá mức
Sẽ có hai trường hợp thường xảy ra trong hướng này. Hoặc bạn làm quá về mức độ quan trọng của một việc (ví dụ như một lỗi bạn mắc phải khi làm việc), hoặc bạn quá coi nhẹ khả năng, thành tích tốt của bản thân.
9. So sánh bản thân với người khác
Cuộc sống giống như một cuộc đua ngầm giữa người với người. Ngay từ nhỏ bạn đã hay bị đem ra so sánh với những “con nhà người ta” trong truyền thuyết. Vậy nên, không có gì lạ lẫm khi chúng ta hay tự đặt mình lên bàn cân với những người xung quanh.
Cách thay đổi tư duy tiêu cực
Thành thật với bản thân
Thông thường, những suy nghĩ tiêu cực cứ kéo dài mãi chính là vì bạn không gọi tên chúng và tự đánh lừa bản thân rằng bạn đang suy nghĩ vô cùng lành mạnh.
Những lúc này, bạn nên tự hỏi mình những câu hỏi thành thật. Dù khó khăn nhưng khi bạn định hình được bạn đang cảm thấy những gì (như ghen tị, tự thấy yếu kém, v.v.), bạn sẽ dần biết được căn nguyên của sự việc và tìm ra cách giải quyết cho những vấn đề đó.
Giữ một cuốn nhật ký
Cách để đối mặt với các kiểu tư duy tiêu cực là sử dụng muốn cuốn sổ riêng dành cho những suy nghĩ độc hại của bạn. Việc viết xuống những cảm xúc thật của bạn thực chất có tác dụng rất lớn, giúp bạn sắp xếp lại ý nghĩ của mình, phân tích và tìm lối thoát khỏi chúng.
Tìm thấy những điều tốt đẹp quanh mình
Đôi lúc cách thoát khỏi suy nghĩ tiêu cực lại đơn giản hơn bạn nghỉ. Bạn có thể thử giảm tốc độ của mình và để ý, quan sát kỹ hơn những thứ hiện hữu quanh mình. Dành thời gian làm những điều bạn thích và ở bên những người đem lại năng lượng tích cực cho bạn sẽ giúp ích cho bạn khá nhiều đấy.
Đọc thêm: 7 Cách Để Bạn Có Thể Bằng Lòng Với Những Gì Mình Có
Tạm nghỉ khỏi mạng xã hội
Mạng xã hội là thú vui không thể thiếu nhưng cũng là con dao hai lưỡi. Đôi lúc bạn có thể không nhận ra rằng, thứ làm nặng nề suy nghĩ của bạn đến từ chính những tin tức và cập nhật bạn thấy trên mạng.
Vì vậy bạn có thể hạn chế lên “lướt mạng” và làm những việc khác như tập thể dục, thiền định, vẽ, đọc sách, nghe nhạc, v.v. Hãy học cách cho bộ não và suy nghĩ của bạn vào chế độ yên lặng trong phút chốc để có thể loại bỏ suy nghĩ tiêu cực nhé.
Lời kết
Vừa rồi là những chia sẻ của Chúng tôi để giúp bạn hiểu rõ hơn về các kiểu tư duy tiêu cực mà chúng ta thường mắc phải. Nếu bạn cũng hay gặp phải những tình trạng này, hãy thử ngay các cách đã được Chúng tôi mách phía trên để có được nguồn năng lượng tích cực hơn nhé.